Pho tượng nữ thần Tự Do mặc áo choàng, tay đưa ngọn đuốc lên cao tại cảng New York, một hình ảnh biểu trưng của nước Mĩ có lẽ không mấy xa lạ với chúng ta. Nhưng, điều mà ít ai biết chính là bức tượng nữ thần Tự Do này còn có một tên gọi khác - "Modern Colossus" (Colossus = tượng khổng lồ), như là âm vang gợi nhớ đến một bức tượng khổng lồ khác cùng kích cỡ (khoảng 110 feet = 33m, cao tương đương một tòa nhà hiện đại với 10 tầng), đã tồn tại cách đây hơn 2000 năm, cũng ở ngõ vào của một cảng biển sầm uất thời cổ đại và cũng là một biểu tượng của tự do : "Colossus of Rhode" - Tượng khổng lồ ở đảo Rhode.
Đất nước Hy Lạp cổ đại bị chia cắt bởi nhiều thành bang nhỏ. Trên đảo Rhode bấy giờ có 3 thành bang : Ialysos, Kamiros và Lindos. Năm 408 trước CN, các thành bang này kết hợp lại thành một lãnh thổ thống nhất với thủ phủ tại Rhodes. Thành phố phát triển hưng thịnh và có mối quan hệ chặt chẽ về thương mại và kinh tế với nước liên minh Ptolemy * (Ai Cập) .
Năm 305 trước CN, những người thuộc phe Antigonids của Macedonia, cũng là đối thủ của Ptolemie bao vây Rhodes, tìm mọi cách phá vỡ liên minh Rhodes - Ai Cập. Nhưng họ đã không thể xâm nhập vào thành phố. Hiệp ước hòa bình đạt được vào năm 304 trước CN, những người phe Antigonid mở vòng vây, rút lui, để lại nhiều trang thiết bị quân sự dồi dào của họ. Nhằm tổ chức kỷ niệm ăn mừng chiến thắng và thống nhất, người dân đảo Rhodes đã bán vũ khí đó, dùng tiền dựng nên bức tượng khổng lồ hình vị thần mặt trời - Helios. Bức tượng khổng lồ đứng kiêu hãnh uy nghi ngay cửa ngõ vào cảng, sải chân dang rộng và tàu bè có thể đi lại bên dưới. Mỗi sáng sớm, mặt trời chiếu vào làm pho tượng đồng ánh lên rạng rỡ một biểu tượng của tự do và thống nhất.
* : sau khi Alexander Đại Đế chết, các tướng lĩnh của ông đã không kiểm soát được vương quốc quá rộng lớn mà đế quốc Macedonia vừa chiếm được (gồm Tiểu Á, vùng Lưỡng Hà, Ai Cập, Ba Tư, Afganistan và Turkestan). Tướng sĩ tranh nhau quyền hành, đế quốc tan rã và Macedonia suy từ đó. Có ba trong số các tướng sĩ của Alexander đã thành công trong việc chia vương quốc này là Ptolemy (Ai Cập), Seleucus và Antigons.
Bức tượng thần mặt trời khổng lồ này do nhà điêu khắc nổi tiếng Charles ở Lindos thực hiện. Tượng đúc bằng đồng, đế tượng làm bằng đá cẩm thạch. Tượng cao 33m. Riêng ngón tay cái vài người ôm không xuể, thật là một pho tượng khổng lồ.Công trình tạc tượng Helios kéo dài 12 năm và hoàn thành vào năm 282 trước CN. Trong nhiều năm bức tượng được đặt trên đảo Rhodes cửa ngõ ra vào Ðịa Trung Hải của nước Hy lạp cổ. Cho đến khi xảy trận động đất kinh hoàng năm 266 trước CN, cả thành phố bị thiệt hại nặng và pho tượng thần mặt trời khổng lồ bị gãy ở đầu gối, phần yếu nhất của pho tượng.
10 thế kỷ trôi qua, bức tượng khổng lồ vẫn nằm trong đống đổ nát. Năm 654 sau CN, Arab đánh chiếm đảo, họ tháo gỡ phần còn lại của pho tượng và bán cho một người Do thái ở Syrie. NgườI ta kể rằng cần đến 900 con lạc đà để chở những bộ phận của bức tượng khổng lồ đến Syrie. Từ đó đến nay không ai còn nhìn thấy bức tượng này nữa, tính từ lúc xây dựng cho đến khi bị phá hủy nó chỉ tồn tại có 56 năm, nhưng được xếp vào 1 trong 7 kỳ quan cổ đại của nhân loại.
Sưu tầm và tổng hợp